Sáng tác và xuất bản Người đua diều

Khaled Hosseini năm 2007

Khaled Hosseini từng là bác sĩ nội trú trong vài năm tại bệnh viện Kaiser ở Mountain View, California trước khi xuất bản Người đua diều.[3][6][7] Năm 1999, thông qua một bản tin, Hosseini biết được chính quyền Taliban đã ban bố lệnh cấm thả diều trên toàn cõi Afghanistan.[8] Đối với nhà văn này, lệnh cấm đó là một thứ gì đó khá tàn nhẫn.[9] Tin tức đã "khơi gợi lên một cảm xúc đặc biệt" với riêng cá nhân nhà văn này. Bởi lẽ, khi còn ở Afghanistan, tuổi thơ của ông gắn liền với môn thể thao này. Sau đó, ông bắt đầu phác thảo 25 trang truyện ngắn về hai cậu bé thả diều ở Kabul.[8] Hosseini gửi các bản thảo của mình đến hai tạp chí EsquireThe New Yorker. Đáng tiếc, cả hai đều không ưng ý với bản thảo đó.[9] Mãi đến tháng 3 năm 2001, sau một thời gian dài, Hosseini tình cờ tìm lại được bản thảo đó trong ga ra nhà mình. Theo lời mách bảo của một người bạn, ông bắt đầu mở rộng dung lượng của nó, với ý định biến bản thảo ban đầu thành một quyển tiểu thuyết.[8][9] Theo Hosseini, câu chuyện trở nên "đen tối" hơn nhiều so với dự định ban đầu của ông.[8] Cindy Spiegel, người phụ trách chỉnh sửa bản thảo, đã "giúp ông chỉnh lại một phần ba cuối cùng của bản thảo", điều mà cô mô tả rằng tương đối bình thường với những quyển tiểu thuyết đầu tay.[9]

Cũng giống như những tác phẩm sau này của Hosseini, Người đua diều là câu chuyện về nhiều thế hệ khác nhau trong cùng một thời kỳ, đồng thời tập trung vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.[2] Hosseini ban đầu không định nhấn mạnh vào mối quan hệ này mà thay vào đó, nó hình thành trong quá trình ông xây dựng cốt truyện.[2] Sau này, nhà văn tiết lộ ông thường xây dựng các tình tiết truyện dựa vào những bức tranh mà chính ông vẽ nên về các tình tiết ấy.[7] Chẳng hạn, Hosseini sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành anh em ruột nếu không có những "nét vẽ nguệch ngoạc" của ông.[7]

Tương tự như nhân vật chính Amir trong truyện, Hosseini sinh ra ở mảnh đất Afghanistan và rời quê hương khi còn trẻ, mãi cho đến năm 2003 mới trở lại quê nhà.[10] Do đó, ông thường bị đặt câu hỏi về việc có những khía cạnh mang tính tự truyện nào liên quan đến cuộc đời ông trong quyển sách hay không.[9] Đáp lại nghi vấn này, Hosseini cho biết: "Khi tôi nói một vài điểm trong nhân vật đó là tôi thì mọi người có vẻ không hài lòng. Những điểm tương đồng là khá rõ ràng, nhưng... tôi đã để lại một vài thứ mơ hồ vì tôi muốn khiến các câu lạc bộ sách phát điên".[9] Bên cạnh đó, việc rời khỏi quê hương vào thời điểm Afghanistan bị Liên Xô xâm lược, nhà văn cũng cảm thấy chút gì đó tội lỗi vì là những người sống sót. Ông nói: "Bất cứ khi nào lướt qua những trang sách về Afghanistan, phản ứng của tôi luôn nhuốm màu cảm giác tội lỗi. Nhiều người bạn thời thơ ấu của tôi đã phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Trong khi đó, một số anh em họ hàng của chúng tôi đã chết. Một người chết trong một chiếc xe tải chở nhiên liệu khi cố gắng trốn thoát khỏi Afghanistan [một sự việc mà Hosseini hư cấu trong tác phẩm].Hãy nói về cảm giác tội lỗi. Đó là một trong những đứa trẻ mà tôi cùng lớn lên và cùng nhau thả diều. Bố nó đã bị bắn".[2][11] Bất chấp những điều này, Hosseini vẫn khẳng định rằng tác phẩm của ông hoàn toàn là hư cấu.[8] Sau này, trong quyển tiểu thuyết thứ hai mang tên Ngàn mặt trời rực rỡ, nhà văn tỏ ra vui mừng vì những nhân vật chính đều là nữ. Bởi lẽ, đấy là cách tốt nhất để "đặt dấu chấm hết cho những nghi hoặc về tự truyện một lần và mãi mãi".[9]

Riverhead Books xuất bản tiểu thuyết Người đua diều bằng việc đặt in 50.000 bản bìa cứng.[9][12] Ấn bản bìa cứng ra mắt độc giả vào ngày 29 tháng 5 năm 2003 và ấn bản bìa mềm được phát hành một năm sau đó.[9][13] Hosseini quyết định từ bỏ một năm hành nghề y, dành trọn thời gian đó cho việc quảng bá tác phẩm, ký tặng cho các bản sao và có nhiều cuộc diễn thuyết khác nhau, cũng như gây quỹ cho các hoạt động ở quê nhà.[9] Tuy được phát hành lần đầu bằng tiếng Anh, nhưng sau đó Người đua diều đã được dịch sang 42 ngôn ngữ, đồng thời có mặt tại 38 quốc gia trên toàn thế giới.[14] Năm 2013, Riverhead cho ra mắt ấn bản đặc biệt nhân dịp 10 năm phát hành. Phiên bản này có viền ngoài màu vàng, đi kèm với lời tựa do chính tay Hosseini viết ra.[15] Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Khaled Hosseini cho xuất bản một quyển tiểu thuyết khác mang tên Và rồi núi vọng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người đua diều http://www.bookbrowse.com/author_interviews/full/i... http://www.bookdrum.com/books/the-kite-runner/9780... http://www.ew.com/ew/article/0,,20165800,00.html http://www.ew.com/ew/article/0,,455344,00.html http://www.hindustantimes.com/Brunch/Brunch-Storie... http://khaledhosseini.com/ http://www.letstalkaboutbollywood.com/article-2802... http://www.lovelandmagazine.com/2013/06/khaled-hos... http://www.publishersweekly.com/978-1-57322-245-7 http://www.salon.com/2007/12/09/hosseini/